SƠ LƯỢC THÍCH CA THIỀN VIỆN

Dưới thời Đức Phật, các Tịnh xá hay Tu viện được thành lập do các vị quốc vương, trưởng giả, hay cư sĩ dâng cúng. Những nơi ấy, không những để cho Đức Phật và các đại Thánh Tăng an cư và tu tập, mà còn là nơi để cho các thiện tín đến nghe những lời thuyết giảng về giáo lý của Đức Phật và các Ngài. Ngày nay, các thiện tín đóng góp tài chánh và công sức xây dựng Thích Ca Thiền Viện cũng không ngoài mục đích giúp cho các Tăng Ni và các hành giả có nơi tu tập Thiền Tứ Niệm Xứ và phát huy Giáo Pháp.

Thích Ca Thiền Viện còn có một may mắn nữa là được Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Khippapañño Kim Triệu nhận làm Viện Trưởng từ lúc mới khởi lập cho đến nay. Ngài là vị cao Tăng có đầy đủ đức độ cùng kiến thức và kinh nghiệm về cả hai Pháp học lẫn Pháp hành. Ngài có duyên lành thọ huấn Giáo Pháp của Đức Phật qua các Ngài Hòa Thượng có công khai sáng Phật Giáo Nguyên Thủy ở Việt Nam, như Ngài Hộ Tông (Vansarakkhita Maha Thera), Ngài Giác Quang (Bodhi Maha Thera). Ngài còn có duyên may học Pháp môn Thiền Tứ Niệm Xứ (Vipassana) từ các Thiền Sư danh tiếng trên thế giới, như Ngài Hòa Thượng Ratthapala, Thiền Sư Munindra, Thiền Sư Goenka, Nữ Thiền Sư Dipa Ma, Ngài Hòa Thượng Taungpuku KyaukSin, Ngài Hòa Thượng Mahāsī, và Ngài Hòa Thượng Shwe Oo Min. Có thể nói Ngài là một Thiền Sư Việt Nam hiếm hoi có đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm qua bốn phương pháp Thiền Tứ Niệm Xứ: Thân, Thọ, Tâm, và Pháp.

Trải qua hơn 35 năm từ ngày thành lập, với mục đích hổ trợ cho những ai có duyên lành với Phật Pháp, không giới hạn về chủng tộc, tôn giáo, hay tông phái, không phân biệt tu sĩ hay cư sĩ, không chỉ dành riêng cho người xứ nào hay cho thời kỳ nào, cơ sở hoằng pháp Thích Ca Thiền Viện, trong khung cảnh êm đềm và thanh tịnh, với sự xếp đặt và hướng dẫn của Ngài Đại Lão Hòa Thượng Khippapañño Kim Triệu, cơ sở này đã khởi nguyện từ ngôi nhà nhỏ, nay có thêm Chánh Điện lớn, khu Tăng xá, ngôi Thiền Đường, ngôi Bảo Tháp để thờ Xá Lợi Phật và các vị Thánh Tăng,hình tượng của bốn nơi Thánh Tích, và những tôn tượng của các bậc Thiền Sư và Ân Sư. 

Thích Ca Thiền Viện đã mở rộng cửa cho những ai muốn đến nơi này để tu tập Giáo Pháp của Đức Thế Tôn cũng như hành Thiền Tứ Niệm Xứ.

 

Nguyên Nhân Thành Lập

Năm 1982, trong thời gian Phật tử miền Đông Hoa Kỳ đang kiếm mua nhà để lập chùa Kỳ Viên ở Washington DC, Sư Pháp Tông thỉnh mời Ngài Khippapañño Kim Triệu sang miền Nam California để hướng dẫn khoá  Thiền Tứ Niệm Xứ cho các Phật tử Nguyên Thủy kỳ cựu Việt Nam. Nhận thấy thành quả tốt đẹp của những khóa thiền này và với sự khuyến khích của chư tăng, các thiện tín hợp công sức cùng nhau đi tìm một cơ sở có khung cảnh yên tịnh thích hợp với sinh hoạt của trường thiền và đồng thời sẽ là nơi phát huy Giáo Pháp của Đức Phật theo truyền thống Nguyên Thủy.

Việc tạo dựng một thiền viện nơi xứ lạ quê người không phải là chuyện đơn giản. Ngoài những khó khăn thông thường như vấn đề tài chánh, địa điểm, tiện nghi cơ sở, tiềm lực phát triển v.v.., thỉnh thoảng lại xảy ra những trường hợp bất ngờ cần phải mất rất nhiều thì giờ để thận trọng cân nhắc. Sau vài năm tìm kiếm, các Phật tử mua được một cơ sở nằm trên đường Winters Lane, gồm hai nhà tư gia, tọa lạc trên khu đất rộng rãi có diện tích 2.27 mẫu tây, nằm trên ngọn đồi nhỏ hướng Tây Nam thành phố Riverside. Các Phật tử đã thành lập ngôi thiền viện đầu tiên ở Nam California, theo hệ phái Phật Giáo Nguyên Thủy, có tên gọi là Thích Ca Thiền Viện hay Sakyamuni Buddhist Meditation Association. Ngài Kim Triệu được mời về làm Viện Trưởng Thiền Sư. Ngôi Thiền viện này đã chính thức sinh hoạt vào ngày 15 tháng 7 năm 1988.

Ý Nghĩa Tên Thích Ca Thiền Viện

Đức Thế Tôn, thuộc dòng dõi Sakya phiên âm là Thích Ca. Ngài đã thành tựu chứng ngộ Đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác, dẫn dắt rất nhiều người trong thời của Ngài chứng quả Niết Bàn. Xuyên suốt qua hơn hai mươi sáu thế kỷ, rất nhiều thánh nhân đã tu tập theo Giáo Pháp của Đức Phật và đã thành công. Dùng tên “Thích Ca” đặt cho thiền viện là có ý tưởng nhắc nhở chư tăng ni và thiện tín bước theo dấu chân Đức Phật và các bậc thánh nhân đó.

Thêm vào đó, tên “Thích Ca” cũng là để tưởng nhớ đến ngôi Thích Ca Phật Đài ở Vũng Tàu, được Hội Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam xây đựng vào năm 1963.

Công Trình Kiến Tạo

1. Sửa chữa và xây cất Thiền Đường

Hai căn nhà có sẵn là nơi sinh hoạt đầu tiên của Thích Ca Thiền Viện. Sau một năm sinh hoạt, thiện tín dần dần quen thuộc với pháp môn hành Thiền Minh Sát, và số người đến tu học càng lúc càng đông, phòng ốc trở nên quá nhỏ. Ngài Thiền Sư Kim Triệu cảm thấy cần mở rộng cơ sở để đáp ứng nhu cầu tu tập của thiền sinh. Vào năm 1989, Ngài quyết định xin phép quận Riverside xây cất ngôi Thiền Đường và túc xá cho thiền sinh. Thêm vào đó, vì hai căn nhà cũ kỹ có nhiều dấu vết bị tàn phá, Ngài cho sửa chữa ngôi Chánh Điện, tăng ni xá, túc xá cho thiền sinh nam, trai đường, nhà bếp, nhà kho, và những hàng hiên (patio).

Trải qua nhiều giai đoạn chuẩn bị thủ tục, sau nhiều buổi họp cộng đồng (Public Hearings) với dân cư quanh vùng, vào tháng 9, năm 1991, quận Riverside chấp thuận cấp giấy cho phép cho Thích Ca Thiền Viện khởi xây cất ngôi Thiền Đường đúng theo luật của quận.

Thiền Đường, diện tích 3,500 SF, gồm hai tầng: tầng trên là nơi hành thiền, giảng pháp và hành lễ. Tầng dưới có 9 phòng túc xá, hai phòng vệ sinh công cộng. Ngoài ra, có hai phòng vệ sinh cá nhân, một phòng giặt quần áo, một phòng để làm kho, v.v… Chung quanh Thiền Đường còn có những đường kinh hành rộng rãi được tráng xi măng sạch sẽ.

Ngoài ra, Thiền Viện còn làm thêm: tráng nhựa đường Winters Lane, dời các trụ đèn và điện thoại; hạ ống nước chánh; bắt ống nước chữa lửa; làm bãi đậu xe; làm hệ thống điện, nước, gas và chữa lửa; đào và xây hầm vệ sinh; thiết lập hệ thống chữa lửa tự động (sprinkler system) bên trong Thiền Đường; trồng cây cỏ làm phong cảnh (landscaping); và dựng hàng rào phía trước đường Winters Lane. 

Nhờ sự giúp đỡ tích cực mạnh mẽ của Phật Tử từ khắp nơi trong và ngoài Hoa Kỳ, việc tân trang và xây dựng Thiền Đường viên mãn vào tháng 12, năm 1996. Lễ khánh thành được tổ chức vào ngày 23 tháng 3, năm 1997. Nhân dịp này, Ngài đã giới thiệu dự án mới là xây ngôi Bảo Tháp thờ Xá Lợi Phật và các vị Thánh Tăng.

2. Sima và Bảo Tháp

Theo lời Ngài Thiền Sư Kim Triệu thì việc xây dựng Bảo Tháp đúng ra phải là do các cư sĩ đảm trách. Nhưng vì Ngài có lời nguyện riêng nên phải cố công thực hiện lời nguyện này.

Vào năm 1971, khi Ngài đang tu học ở một chùa Miến Điện tại Varanasi (Ấn Độ), Ngài thấy trên bàn thờ Phật có thờ Xá Lợi. Khi được vị Hòa Thượng trụ trì chùa giải thích về ý nghĩa và ích lợi của Xá Lợi, Ngài ước mong cũng có một ít Xá Lợi để thờ. Vị Hòa Thượng trụ trì bèn sớt cho Ngài 1/3 Xá Lợi. Giữ được một thời gian thì Xá Lợi bị mất cắp. Vì biến cố đó, nên Ngài lo sợ và nguyện rằng nếu tìm lại được sẽ xin xây Bảo Tháp ở bất cứ nơi nào để tôn trì cho thật an toàn, Lời nguyện đó luôn ở trong tâm của Ngài.

Ngài là bậc Tăng có hạnh từ bi và đạo đức. Đó là bậc tu hành đáng được cúng dường. Vì thế, các tăng ni và thiện tín thường hay dâng tặng nhiều vật quý giá. Ngài thường nói: “Người đời trọng kim cương, vàng bạc, còn Sư rất quý trọng Xá Lợi của các bậc Thánh nhân”. Các tăng ni và thiện tín dâng cho Ngài nhiều Xá Lợi của Đức Phật và các bậc Thánh Tăng, trong đó có cả Xá Lợi của ngài Mahāsī. Trong số chư thiện tín đó có cư sĩ Sunanda Phạm Kim Khánh, còn gọi một cách thân mật là bác Tám Khánh.

Biết Ngài là một vị tăng đức độ đang có dự án xây Bảo Tháp để thờ Xá Lợi, nhân dịp lễ Phật Đản năm 2000, bác Tám Khánh đã dâng cho Ngài viên Xá Lợi Phật do Ngài Hòa Thượng Nārada tặng cho Phật tử Việt Nam vào năm 1974.

Một nhân duyên khác của Thích Ca Thiền Viện là vào năm 1998, khi cố Đại Lão Hòa Thượng Thiền Sư U Kundala từ Miến Điện sang hướng dẫn khóa Thiền Tứ Niệm Xứ tại Thích Ca Thiền Viện, Ngài U Kundala, Ngài Kim Triệu cùng chư tăng Miến Điện, Thái Lan, Cao Miên và Việt Nam tụng kinh làm lễ kiết giới Sīmā cho Thích Ca Thiền Viện ở mảnh đất phía sau Thiền Đường. Theo truyền thống Nguyên Thủy, Sīmā là nơi để dành cho chư tăng hành tăng sự. Ngôi Bảo Tháp thờ Xá Lợi được kiến tạo trên Sīmā này, nên Bảo Tháp còn được dùng làm nơi để các chư tăng làm lễ xuất gia, lễ dâng y, lễ sám hối, tụng đọc giới bổn, hay nơi hội họp tăng đoàn.

Ấp ủ việc tạo dựng ngôi Bảo Tháp để tôn trì Xá Lợi, Ngài đã nhờ cư sĩ Trần Kim Liên phác họa, và kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Trai vẽ họa đồ. Cũng như lần xây cất Thiền Đường, những khó khăn về tài chánh và nhân sự làm chậm trễ dự án. Tuy đã có giấy phép từ lâu, nhưng cho đến ngày 11 tháng 11 năm 2001, Thích Ca Thiền Viện mới làm lễ đặt viên đá đầu tiên nơi này, và cho đến tháng 6 năm 2004 thì việc xây cất mới khởi công. Hơn một năm sau, vào tháng 10 năm 2005, thì việc xây cất mới hoàn tất. Sau đó, dự án kéo dài thêm vài năm nữa cho việc tân trang bên trong, làm hàng rào, con đường từ Thiền Đường vào Tháp, và phong cảnh chung quanh.

Bảo Tháp thờ Xá Lợi Phật là một kiến trúc đặc thù của Thích Ca Thiền Viện, có thể nói rằng có một không hai ở Hoa Kỳ. Thay vì mái có một lớp hình như cái chuông hay dạng bán cầu có đỉnh nhọn như các chùa ở Miến Điện, thì mái của Bảo Tháp ở Thích Ca Thiền Viện được kiến trúc ba tầng lớp. Mái dưới lớn, trên nhỏ, và trên nhỏ hơn. Ba lớp mái của Tháp bằng kim loại màu đồng nổi bật dưới nền trời xanh. Thân của Tháp hình bát giác, tượng trưng cho Bánh Chánh Đạo. Ba tầng mái Tháp được hiểu là Phật Pháp Tăng Tam Bảo hay Giới, Định, Huệ. Xá Lợi của Đức Phật được cất giữ trong tháp hình chuông (Stupa) ở đỉnh cao nhất.

Bước lên Tháp là bậc tam cấp. Thân Tháp được bọc bằng dãy hành lang chạy chung quanh, được lót bằng gỗ và bảo vệ bằng lớp kính trong suốt. Tháp có ba cửa chính đi vào nội thất. Bên trong là bệ thờ Xá Lợi và trên tường được trang trí bằng bốn bức hình về bốn nơi động tâm của Phật Giáo bên Ấn Độ. Trong chân Tháp, nơi giữ kinh sách và các tượng Phật được sưu tầm ở khắp nơi trên thế giới. Ngoài ra, những vật kỷ niệm hay quà của Phật Tử dâng cho Ngài cũng được giữ gìn nơi đây.

Lễ khánh thành Bảo Tháp được tổ chức vào ngày 12 tháng 12 năm 2012 với rất đông Phật tử khắp nơi đến chiêm bái Xá Lợi.

3. Hình Tượng Bốn Thánh Tích- Bốn Nơi Động Tâm

Trong Kinh Đại Niết Bàn có ghi lại rằng trước lúc Đức Phật nhập Niết Bàn, Đức Ānanda than vãn với Đức Phật rằng rồi đây thế gian sẽ không còn được dịp gặp để tôn kính Đức Thế Tôn nữa. Đức Phật liền nhắc tới bốn nơi quan trọng trong cuộc đời Đức Phật:

  1. Lumbini (Lâm-Tỳ-Ni) là nơi Ngài đản sanh.
  2. Bodh Gaya (Bồ-Đề-Đạo-Tràng) là nơi Ngài thành đạo.
  3. Isipatana hay Sarnath (Vườn Lộc Giả) là nơi Ngài thuyết giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân.
  4. Kusinara (Câu-Ti-Na) là nơi Ngài nhập niết bàn.

…Này Ānanda, đó là bốn Thánh Tích, kẻ thiện tín cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Này Ānanda, các thiện tín Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ sẽ đến với niềm suy tư: “Đây là chỗ Như Lai đản sanh”, “Đây là chỗ Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”, ”Đây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng”, “Đây là chỗ Như Lai diệt độ, Nhập Vô dư y Niết-bàn.

Này Ānanda, và những ai, trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được tái sanh vào cõi an vui, vào cảnh giới chư Thiên.

Ý nghĩa của bốn nơi động tâm rất sâu xa vi diệu. Vì phần đông các Phật tử chưa có thuận duyên đến tận quê hương Ấn Độ của Đức Bổn Sư để chiêm bái, nên Thích Ca Thiền Viện mới tôn bày lại bốn nơi thánh tích này để khi các Phật tử gần xa có cơ hội đến viếng thiền viện, sẽ nhìn được hình ảnh dù chỉ là tượng trưng. Những tượng Phật này tuy đơn sơ nhưng qua ý niệm về bốn giai đoạn chánh của cuộc đời Đức Phật, người chiêm bái cũng có thể phát sanh đức tin vào Tam Bảo và sự vi diệu của một bậc đã tự mình chứng ngộ.

Tượng Thái Tử Tất Đạt Đa đản sinh. Biểu tượng ở Lumbini (Lâm Tỳ Ni)
Tượng Đức Phật Thành Đạo. Biểu tượng ở Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng)
Tượng Đức Phật thuyết Kinh Chuyển Pháp Luân cho 5 vị Đệ Tử Đầu Tiên là anh em Ngài Kiều Trần Như. Biểu tượng ở Isipatana hay Sarnath (Vườn Lộc Giả)
Tượng Đức Phật nhập Niết Bàn. Biểu tượng ở Kusinara ( Câu Ti Na)
4. Tôn Tượng Các Thiền Sư và Ân Sư

Trong khuôn viên của Thích Ca Thiền Viện, gần ngay nơi cổng vào của Sīmā Bảo Tháp , tượng của các thầy tổ và ân sư của Ngài Kim Triệu được an vị:

Đại Lão Hòa Thượng Giác Quang: Là một cao Tăng có đức độ, chuyên tu Thiền định. Sau khi tu học ở Nam Vang thành công, về lập chùa Giác Quang ở Bình Đông, Chợ Lớn, Sài Gòn. Ngài Kim Triệu đã tu học ở đây 6 năm.

Đại Lão Hòa Thượng Hộ Tông: Đức trí vẹn toàn, nguyện hành Bồ Tát Đạo. Ngài được xem là Sơ tổ của Phật Giáo Nguyên Thuỷ Việt Nam và cũng là vị sáng lập chùa Bửu Quang và chùa Bửu Long nơi hiện nay có bảo tháp rất đẹp và hùng vĩ. 

Đại Lão Hòa Thượng Thiền Sư Shwe Oo Min: là một trong những vị Thiền Sư nổi danh, và cũng là sáng lập viên trường thiền Shwe Oo Min Dhamma Sukha Tawya, dạy về quán niệm Tâm (Cittānupassanā), ở  Miến Điện (Myanmar). Ngài Kim Triệu có thọ giáo từ năm 1997 cho đến khi Ngài Thiền Sư Shwe Oo Min qua đời. 

Đại Lão Hòa Thượng Thiền Sư Mahāsī: Ngài Kim Triệu gặp và học với Ngài ở trung tâm Mahāsī, ở Miến Điện (Myanmar), trong 6 tháng, vào năm 1980 trước khi qua Hoa Kỳ.

Bà Thiền Sư Dipa Ma: Đệ tử tại gia xuất sắc của Ngài Mahāsī và Ngài Munindra. Nhờ oai lực và lời nói của bà mà Ngài Kim Triệu có niềm tin và tiến bộ trong Pháp hành. Vì vậy, Bà cũng được xem như người mẹ tinh thần của Ngài Thiền Sư Kim Triệu.

5. Chánh Điện và Tăng Xá

Năm 2008, Thiền Viện dự định xây dựng thêm Chánh điện, Tăng xá, bãi xe nhằm mục đích hỗ trợ cho việc tổ chức lễ hội trong khuôn viên chùa để đông đảo Phật tử về tham dự. Thế là Thiền Viện mua luôn căn nhà bên cạnh để triển khai dự án. Tháng 5 năm 2014 bắt đầu mời Phật tử bốn phương chung tay xây dựng Chánh điện và Tăng xá. Tháng 10 năm 2014, làm lễ đặt đá xây dựng Chánh điện và đến tháng 11 năm 2015, công trình hoàn thành phần diện tích của Chánh điện. rộng 2,800 sqf với 7 phòng ở dành cho Tăng sĩ trong đó có một phòng Master dành cho Ngài Viện Trưởng, một Master Room có ba giường tầng, bốn phòng 1 giường tầng, phòng khách, phòng ăn và bếp. Thi công hệ thống Septic Tank lớn dẫn nước thải, hệ thống điện nhà mới mạnh gấp đôi nhà cũ. Nhà để xe cũng được tân trang lại với hai chỗ đậu xe, một kho chứa kinh sách ở tầng dưới và một phòng lớn để ngủ cho khoảng mười nam sinh viên ở tầng trên. Làm một cảnh Phật trên một khu đất nhỏ cao cạnh mặt Nam chánh điện, bên ngoài có hòn non bộ và tượng Phật cao khoảng 5 trượng để Phật tử chiêm bái. Lắp đặt 1.250 bảng công đức trước Chánh điện với tổng diện tích 700 sqf.

Đồng thời với việc xây Chánh điện là công trình dùng loại gạch Jumbo stone lớn xây tấn hai bên dọc theo con suối cạn chạy ngang qua thiền viện từ hướng Tây sang hướng Đông dài trên 500 feet . Xây tấn hai bên, mỗi bên có ba hay bốn tầng bậc,tổng cộng đã xây trên 4,000 feet chiều dài và mua đổ thêm trên 400 xe đất cho công trình nầy . Xây hệ thống ống cống mới với hai feet đường kính, dài 60 feet . Ngoài ra thực hiện lót gạch loại đặc biệt mặt trước, mặt sau, và mặt phía Nam Chánh Điện 11,000 sqf vuông, cùng với lót gạch toàn bộ con đường dài từ bờ suối vòng qua trước Chánh Điện, qua phía hông phía sau dẫn ra cổng sau, tổng cộng trên 20,000 sqf vuông . Hiện tại đang tiếp tục xây bờ chắn cho Parking mới và đỗ thêm đất chống sạt lở khi mùa mưa . Điện cho nhà mới mạnh gắp đôi hệ thống điện cũ . Đồng thời tân trang Garage hai chỗ đậu xe, một kho chứa Kinh Sách ở tầng dưới và một phòng lớn đủ chỗ ngũ cho khoảng 10 thiền sinh Nam trên tầng trên . Thực hiện một khu Phật cảnh trên khu đất nhỏ trên cao cạnh bên mặt Nam Chánh điện có hòn non bộ và Tôn tượng Đức Bổn Sư cao khoảng 5 feet ngoài trời để Phật tử chiêm bái . Thực hiện gắn 1,250 Bảng Công Đức mặt tiền Chánh Điện diện tích tổng cộng 700 sqf vuông.

Chư Tăng Ni và Thiện Tín

Cùng phụ tác với Ngài Viện Trưởng trong việc hành đạo, Chư Tăng Ni đã và đang cư trú ở Thích Ca Thiền Viện từ khởi thuỷ gồm có : Sư Phúc Căn, sư Trí Dũng, sư Khánh Hỷ, sư Ngộ Thông, sư Giới Tịnh, Sư Tuệ Trí tức sự Hoài, sư Thiện Hiền, Sư Kim Muôn, sư Tinh Cần, sư Thanh Tịnh, sư Hộ Pháp, sư Tinh Tuệ, sư Huệ Bảo, sư Thiện Nghiệp, sư Dũng Chí.

Quý Tu Nữ gồm có : Cô Cariya Tịnh Thuỷ, cô Maya Mai, cô Điệu Ý, cô Dana Dung cô Pháp Thọ, cô Trinh, cô Tịnh Pháp,v.v..

Ngoài ra xuyên suốt 35 năm xây dựng qua nhiều giai đoạn, thành phần cốt yếu bền bỉ lâu dài phải kể là rất nhiều Thiện tín, Phật tử thầm lặng kiên trì đóng góp công của trong mọi sinh hoạt thường xuyên giúp cho Thiền viện càng ngày càng vững mạnh trên con đường hoằng Pháp lợi sanh và độ chúng .

Đặc biệt xin tuyên dương công đức đã đóng góp vào sự vững mạnh của Thích Ca Thiền Viện là Gia đình cô Vân La, anh Trần Minh Lợi, gia đình cô Ái Cầm, Minh Anh, cô Thu Yurick, gia đình cô Cẩm Hồng, cô Ái,cô Tuệ Phước, cô Kim Đức, Ông bà Thi, cô Nguyễn Thị Yến Thu, gia đình cô Helena Nguyễn và Thu Ngân, gia đình anh Nguyễn văn Hiếu, gia đình Tôn Nữ Diệu Lan, anh Đức Đặng, Anh chị Hải Kim Anh, cô Tịnh Minh, cô Nguyễn Thị Kim Cúc, anh chị Kim lê Trực võ, Anh chị Lal Quốc NAM, ANH Nguyễn Ngọc Yến,Anh Thanh lo Website ,anh Bảo Hà và Thomas cùng nhóm bạn hữu, Anh chi Bưởi Pomona,anh Pháp Tịnh, anh John Trần, Anh chị Julie Phạm Thị Thiên Hương, cô Connie K.Đặng, gia đình Danny Nguyễn và Kim Loan Trần .

Các ân nhân bảo trợ thường xuyên về y tế sức khỏe cho Tăng Ni như Bác sĩ Lưu Lợi, Gia đình Bác sĩ Phan Mỹ Hằng, gia đình Bác sĩ Bảo Lộc, Gia đình Bác sĩ Chung -Triển Đặng, Dược sĩ Julie Phạm, Nha sĩ Trương Phùng Nghi.

Trong danh sách này chắc chắn cò thiếu sót và không đủ, mong các vị ân nhân của Thiền viện hoan hỷ sau nầy sẽ bổ túc thêm .

Tâm Nguyện

Ngài Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Khippapañño Kim Triệu, Thiền Sư Viện Trưởng của Thích Ca Thiền Viện, đã có lần bày tỏ với các chư thiện tín là:

“Đối với Sư, tất cả đều tùy duyên thuận đạo. Nếu vị vào có lòng, có duyên muốn đi theo con đường Sư đã đi, tiếp nối tâm nguyện của Sư đã đặt vào năm cơ sở hoằng pháp là Kỳ Viên Tự, Thích Ca Thiền Viện, Đại Niệm Xứ Thiền Viện, Tâm Pháp Thiền Viện, và Ānanda Thiền Viện thì Sư mong họ ghi nhớ hai tôn chỉ trong suốt đời Sư là: duy trì nề nếp truyền thống của một thiền viện Phật Giáo Nguyên Thủy và duy trì đường lối truyền bá pháp Thiền Tứ Niệm Xứ.”

Niềm vui và niềm an ủi lớn nhất của Ngài trong cuối cuộc đời hành đạo trên một đất nước rộng lớn mà đạo Phật không được mấy phổ biến rộng rãi, là khi thấy các tăng ni, và cư sĩ theo Ngài tu học được tiến bộ về Pháp học lẫn Pháp hành, nhất là có đức tin vào Tam Bảo ngày càng thâm sâu. Ngài mong rằng những lớp cư sĩ thuần thành này sẽ cùng chư tăng ni ở các nơi hợp tác chặt chẽ để đồng tâm phục vụ đạo Phật theo mô hình:

“Chư Tăng kéo, cư sĩ đẩy bánh xe Giáo Pháp”.

Youtube
Facebook