LỄ HỘI TRONG NĂM

Ngoài việc tổ chức các khoá thiền miên mật 10 ngày hay 3 ngày, Thiền Viện thường tổ chức những ngày lễ hội quan trọng khác trong năm.

1. Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa Việt Nam, diễn ra vào 3 ngày đầu tiên của Âm Lịch. Đó là thời gian để mọi người sum họp gia đình, gợi nhớ về tập tục truyền thống, nguồn cội và  nhìn lại một năm đã qua trong khi chuẩn bị cho năm mới. 

Tại Thích Ca Thiền Viện, lễ đón Tết Nguyên Đán không những rộn ràng với những sự chuẩn bị và trang trí mang đậm phong cách người Việt mà  còn gắng liền với sự thực hành lời dạy của Đức Phật, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thực hành chánh niệm, từ bi và trí tuệ. Trong những giờ phút đầu năm mới, chư Tăng các nơi trên thế giới chúc Tết đến Ngài Hoà Đại Trưởng Lão Thiền Sư Kim Triệu và nghe lời dạy Năm Mới từ Ngài. Cũng trong dịp này, các Phật tử và khánh hành hương đến Thiền Viện cũng được thưởng thức các món ăn Việt, ngồi thiền, cầu nguyện, cúng dường Tam bảo cùng hái lộc may mắn đầu năm.

2. Lễ Hội Rằm tháng Giêng ( Magha Puja)

Lễ hội Rằm Tháng Giêng theo truyền thống của Phật Giáo Nguyên Thuỷ  có 3 ý nghĩa: 

  1. Kỷ niệm ngày 1,250 vị A-La-Hán đệ tử Phật tuy không hẹn trước, không mời thỉnh  nhưng cùng nhau về Thành Vương Xá đảnh lễ Đức Phật vào cùng một ngày 

  2. Đức Phật Giảng bài pháp làm căn bản cho các thực tập sau này (“Ovada-Patimokkha Gatha”), được tóm tắt qua các câu kệ trong kinh Pháp Cú 

Không làm mọi điều ác.

Thành tựu các hạnh lành,

Tâm ý giữ trong sạch,

Chính lời chư Phật dạy.

 

Chư Phật thường giảng dạy;

Nhẫn, khổ hạnh tối thượng;

Niết bàn quả tối thượng;

Xuất gia không phá người;

Sa môn không hại người.

 

Không phỉ báng, phá hoại,

Hộ trì giới căn bản,

Ăn uống có tiết độ,

Sàng tọa chỗ nhàn tịnh

Chuyên chú tăng thượng tâm,

Chính lời chư Phật dạy. 

Nhân dịp này, Đức Phật Ngài cũng giảng về Anàpatimokkha, có nghĩa là Ngài chuẩn y giới luật cho Chư Tỳ Kheo phải hành lễ Bố tát (Uposatha) mỗi tháng hai kỳ nhằm ngày 15 và 30 (hoặc 29). Lễ Bố tát là một hình thức giúp cho các vị xuất gia quán chiếu lại giới hạnh của mình cho được tinh nghiêm, nếu có sơ sót trong tiểu giới thì ngày hôm đó các vị sám hối với nhau. Ở Thích Ca Thiền Viện vẫn còn gìn giữ truyền thống này vì Giới luật là nền tảng của Phật giáo, Giới luật còn thì Giáo pháp còn. Trong ba tạng kinhđiển, đức Phật tuyên bố rằng theo thời gian, Luật tạng sẽ hoại diệt sau cùng. Khi nào Luật tạng hoại diệt thì lúc đó là thời mạt pháp, là khởi điểm hết nhiệm kỳ Giáo pháp của một vị Phật tổ.

      3.   Ngày kỷ niệm Phật Di Chúc khi Đức Phật cho biết rằng Ngài sẽ nhập diệt sau 3 tháng.

Để kỷ niệm ngày lịch sử trọng đại này, Thích Ca Thiền Viện tổ chức lễ Rằm Tháng Giêng bằng nhiều hình thức nghi lễ khác nhau: như lễ hội đặt bát đến chư Tăng, lễ thọ giới, lễ quy y, lễ thuyết pháp, lễ thọ đầu đà… nhằm giúp người Phật tử có cơ hội gieo duyên lành trong chánh pháp.

Đặc biệt là lễ Đêm Đầu đà (Dhutanga): thức một đêm không ngủ để tưởng nhớ Đức Phật – một con người vĩ đại, với một lý tưởng phi thường, suốt cuộc đời tận tụy hy sinh vì quyền lợi của tha nhân. Thông thường trong đêm đầu đà có nhiều tiết mục để người Phật tử tham gia học và thực hành thêm về giáo lý. Những tiết mục đó thường là Thuyết pháp,  Hành thiền, Vấn đáp Phật pháp, Luận đạo v.v. Người tham dự một đêm đầu đà, qua những mục đó, chắc chắn sẽ được hiểu biết giáo lý căn của Đức Phật và sẽ có thêm niềm tin vững chắc ở Tam bảo.

3. Ngày Lễ Tam Hợp hay Ngày Lễ Phật Đản Sinh ( Vesakha Puja)

Đây được xem là một ngày lễ quan trọng nhất của Phật Giáo diễn ra vào Rằm Tháng Tư, kỷ niệm 3 sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni : Phật Đản Sinh, Phật Thành Đạo và Phật Nhập Niết Bàn.

4. Mùa An Cư Kiết Hạ ( 3 Tháng)

Hằng năm, Chư Tăng ở Thích Ca Thiền Viện giữ truyền thống nhập hạ 3 tháng trong mùa An Cư. Ngày nhập hạ sẽ là ngày Rằm tháng Sáu – Ngày Chuyển Pháp Luân (Asalha Puja).  Đây cũng là ngày Đức Phật giảng bài pháp đầu tiên — Chuyển Pháp Luân- về Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo, cho 5 anh em Kiều Trần Như. Do đó, ngày nầy được một số chư Tăng và Phật tử xem như là ngày Pháp Bảo (Dhamma Day).

Trong suốt 3 tháng an cư Kiết Hạ, chư Tăng tại Thích Ca Thiền Viện không được rời khỏi Thiền Viện quá 7 ngày. Đây là dịp quý giá để Chư Tăng tại Thiền Viện có cơ hội tu tập Thiền và nghiên cứu sâu các giáo lý và lời dạy của Đức Phật. 

Ngày Ra Hạ sẽ là Ngày Rằm tháng Chín – Ngày Tự Tứ (Pavarana Day). Theo tiếng Pali  “Pavarana” có nghĩa là “thỉnh cầu, tùy ý”. Vào ngày Tự Tứ, chư Tăng thực hiện nghi thức Pavarana, trong đó họ yêu cầu các vị sư khác chỉ ra bất kỳ sai lầm hoặc lỗi lầm nào mà chư Tăng có thể đã phạm trong suốt chuỗi ba tháng An Cư. Điều này được thực hiện trong tinh thần khiêm nhường và cởi mở, với mục đích giải quyết bất kỳ xung đột hoặc hiểu nhầm nào có thể đã phát sinh. 

Chỉ sau ngày lễ Tự Tứ, Chư Tăng nhập hạ ở Thích Ca Thiền Viện mới có thể tự do rời khỏi Thiền Viện cho các Phật Sự khác nhau. 

5. Lễ Vu Lan

Đây là lễ hội để tưởng nhớ đến công ơn vô bờ bến của ba mẹ hiện tại và nhiều đời trước. Theo lời dạy của Đức Phật, nơi nào mà không có Đức Phật thì chúng ta phải tôn kính cha mẹ mình như một Đức Phật. Thông qua những việc làm phước, bố thí, cúng dường, các Phật tử sẽ hồi hướng đến cha mẹ và họ hàng hiện tiền cũng như quá vãng, cầu cho tất cả được sức khoẻ và an vui. Tôn kính ba mẹ và tổ tiên không chỉ là nghĩa vụ tín ngưỡng mà còn là cách để người con Phật giữ gìn và phát triển lời dạy của Đức Phật qua việc thực hành lòng vị tha, thương yêu, và biết ơn.  

6. Lễ Hội Dâng Y Kathina

Rằm tháng Chín Âm lịch là ngày mãn mùa An cư Kiết hạ (Tự Tứ) của chư Tăng, đồng thời là khởi điểm mùa Lễ Dâng Y Kathina trong một tháng, từ 16- 9 đến 15-10 âm lịch. Có thể nói trong một năm, chư TăngPhật tử rộn rịp, tưng bừng và hoan hỷ trong ngày Rằm này, với người tại gia cư sĩ chuẩn bị lễ phẩm, tứ vật dụng cúng dường chư Tăngtham gia dự lễ dâng y các chùa Phật giáo Nguyên thủy. Chư Tăng lại càng hoan hỷ hơn vì ngày này đánh dấu thêm một tuổi đạo ( hay gọi là Tuổi Hạ).

Sau khi chư tăng ra hạ, đức Phật cho phép được tổ chức một ngày lễ dâng y trong vòng một tháng từ 16 tháng 9 Âm lịch đến 15 tháng 10 Âm lịch. Điểm đáng lưu ý là trong một năm chỉ được tổ chức lễ dâng y một lần trong một tháng, một tháng chỉ được tổ chức một ngày. Lý do Ấn Độ  chỉ có ba mùa: mùa lạnh, nóng và mưa, như vậy mỗi một mùa có bốn tháng. Nhập hạ chỉ có ba tháng, thế nên còn một tháng chư Tăng cũng không tiện vân du hoằng pháp mà phải ở lại tu viện cho hết mùa mưa. Do đó tháng này là tháng thích hợp để tổ chức dâng y. Nếu không còn trong phạm vi của tháng dâng y mà tổ chức dâng y thì không thành tựuquả báu Kathina.

Điều kiện được nhận y Kathina là vị tăng ấy phải nhập hạ liên tục ba tháng tại đây không bị đứt hạ, phải có 5 vị Tỳ kheo trở lên, 4 vị làm tăng để giao y Kathina, một vị thọ y. Vị Tỳ kheo được thọ y Kathina là vị có y đã cũ rách hoặc vị đó do tăng chúng đề cử. Phương pháp thọ y Kathina khác biệt hơn cách thọ tứ sự cúng dường của đàn natín thí. Thông thường, khi nhận những tứ sự cúng dường khác, chư Tăng thọ bằng thân và khẩu. Trái lại, khi nhận tăng y Khathina, chư Tăng thọ bằng tâm chứ không thọ bằng lời. Những thủ tục trên đã hội đủ, chư Tăng hội họp nhau trong ranh giới Simà và chỉ định hai vị tuyên ngôn trình tăng rằng: – “Bạch hóa Đại đức tăng nay tăng y đã phát sanh đến Tăng rồi, nay tăng giao y Kathina đến Tỳ kheo… nếu các vị hoan hỷ thì làm thinh, lần thứ nhì …, lần thứ ba… Y cứ làm thinh của chư Tăng tăng y giao cho Tỳ kheo … thọ.”

Khi tuyên ngôn giao tăng y đến vị Tỳ kheo… thì vị ấy chỉ thọ một trong 3 y, đó là Tăng già lê, hoặc y vai trái, hoặc y nội, chứ không được thọ 3 y. Nếu thọ y nào thì vị ấy phải xả y cũ và nguyện y mới. Bên cạnh ấy, những vị đồng nhập hạ nói lên lời tùy hỷ. Nói lời tùy hỷ trước chư Tăng vừa dứt thì tất cả những vị nhập hạ đều hưởng năm quả báu. Điểm này khác biệt hơn những việc làm phước khác. Thường người làm phước thì hưởng phước báu, nhưng đặc biệt trong dịp lễ dâng y người thọ y cũng hưởng năm quả phước: Sống Lâu, Sắc Đẹp, An Vui, Sức Mạnh và Trí Tuệ. Năm quả báu này giúp cho vị Tỳ kheo thuận lợi trong việc tu học, thọ thực, đi lại.

Quang cảnh buổi lễ dâng y thật hoan hỷ. Tại Thích Ca Thiền Viện, thường có thí chủ hoặc thí chủ tập thể đứng ra làm chủ lễ dâng Y. Chủ Lễ Dâng y sẽ sắm y phục và những thứ vật dụng phụ tùng cần thiết của các vị Tăng, tất cả đều mang đến Thiền Viện, trước khi dâng cúng đến chư Tăng. Trong ngày lễ này, Phật tử thường tỏ lòng tôn kính nên đội tất cả những lễ phẩm tứ sự đó đi nhiễu ba vòng quanh Bảo Tháp. Không khí rất vui tươi và đầy hoan hỷ của những tâm hồn mộ đạo. 

 

Youtube
Facebook